Tác giả: HƯƠNG THU
NỬA ĐÔNG
Giật mình nửa chiếu chạm vào đông
Nửa chiếu co ro nát cõi lòng
Gió dại đèn khuya lay bóng nhạt
Trăng khờ cửa vắng chạnh nhà không!
Năm canh mấy giấc đời trăn trở
Một nỗi bao đêm lệ chất chồng
Vội giấu đìu hiu vào chiếu lạnh
Nghe buồn tiếng vạc thả mênh mông.
PHẠM PHÚ
Tôi đã giật mình khi đọc bài thơ “Nửa đông” của nhà thơ Phạm Phú, bài thơ đã được đăng trong “Thế giới thơ Đường luật” tập 1 xuất bản năm 2007. Giật mình vì nếu không tìm lại những tài liệu cho tập “Chân dung thơ Đường luật Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21” thì tôi đã bỏ qua một bài thơ hay, gây cảm xúc với người đọc ngay lần đầu tiên khi chạm vào một “nửa đông” của tác giả. Cái giật mình của tôi, không giống như cái “giật mình” của Phạm Phú. Với tôi là sự bất ngờ pha chút mừng vui. Mừng vui vì mình đã phát hiện ra và kịp có một bài thơ hay để đưa vào dự án sách. Với Phạm Phú là cái giật mình của sự trống vắng, lạnh lẽo khi chạm vào một phần giường còn lại. Giật mình, vì tác giả chưa nhận thức ra rằng, phía đó đã không còn hơi ấm của một bóng dáng quen thuộc, mà bao giờ cũng vậy, chỉ cần quờ tay ra là chạm vào. Đó là cái giật mình với một chút thảng thốt, chút hoang mang, chút ngơ ngẩn tiếc nuối khi trở về với thực tại, nhận ra sự mất mát quá lớn trong tâm hồn “Nửa chiếu co ro nát cõi lòng”. Mùa đông của đất trời có thể chưa về, nhưng cái lạnh đã tràn ngập trong căn phòng, trong chiếu chăn, trong tâm hồn tác giả. Hai hình ảnh: Một “nửa chiếu co ro” và một “nửa chiếu chạm vào đông” cho ta thấy phía bên kia là cả khoảng vắng mênh mông lạnh giá, phía bên đây là con người “co ro” với nỗi cô đơn khủng khiếp! Chỉ trong hai câu thơ Phạm Phú đã sử dụng tới ba phép tu từ: nhân hóa, ẩn dụ và điệp từ. Đó là chưa kể đến phép chơi chữ: “Giật mình” kết hợp giữa sự tỉnh giấc đột ngột với một phản ứng tâm lý khi bất chợt nhận ra khoảng trống phía bên kia, đồng thời cũng đánh thức cả cảm xúc của người đọc.
Sau cái thảng thốt giật mình đó, tác giả đã “hoàn hồn” và nhận thức ra được một thực tại quanh mình với “ Gió dại đèn khuya lay bóng nhạt/ Trăng khờ cửa vắng chạnh nhà không!”. Cả một không gian tĩnh mịch, vắng lặng đang bao trùm, phủ kín cả tâm hồn tác giả sự lạnh buốt đến tê dại, để rồi giữa cái vắng lặng mênh mông đó, nhân vật trong thơ của Phạm Phú đã rơi lệ khi nghĩ về những đêm dài trăn trở với bao tâm sự ngổn ngang nghĩ về cuộc đời, về duyên phận con người, về những tháng ngày hạnh phúc đã qua, và nỗi cô đơn đang hiện hữu … “Năm canh mấy giấc đời trăn trở/ Một nỗi bao đêm lệ chất chồng”.
Con người, đôi khi bỗng trở nên yếu đuối, không dám đối mặt với sự thật, không chấp nhận nghịch cảnh đang thuộc về mình, dù sự thật vẫn luôn là sự thật đang hiện hữu không thể nào khác được. Phạm Phú cũng vậy, cũng đã “ Vội giấu đìu hiu vào chiếu lạnh”, những mong sẽ bớt đi nỗi cô đơn, vắng lặng của không gian, của lòng người, nhưng như một sự vô tình, ở ngoài kia, trong bóng đêm dày đặc mênh mông đó một tiếng vạc kêu sương lẻ loi vang lên như đánh thức nhân vật trong thơ của Phạm Phú để cuối cùng bao nhiêu sự trống vắng lại ùa về chiếm ngự “ Nghe buồn tiếng vạc thả mênh mông”.
Là một trong những cây bút thơ Đường Luật được nhiều người biết đến trong giai đoạn những năm 80 của thế kỷ 20. Là một trong những thành viên sáng lập nên Chiếu thơ Lan Đình, và cũng là người đã bỏ bao công sức để gầy dựng nên CLB UNESCO Thơ Đường luật Bà Rịa – Vũng Tàu (tiền thân của Chi Hội thơ Bà Rịa Vũng Tàu thuộc Hội thơ Đường luật Việt Nam). Phạm Phú đã đánh thức được tình yêu thơ Đường luật đối với những thế hệ trẻ tiếp theo bằng những bài thơ giàu chất trữ tình, sử dụng nhiều thủ pháp tu từ, nhất là lối ẩn dụ – một thủ pháp “ý tại ngôn ngoại” hoặc “Tá hoa trước y” được sử dụng nhiều trong thơ Đường luật để làm tăng tầng suất cảm xúc của bài thơ đối với độc giả.
Phạm Phú hiện vẫn đang sinh sống và sáng tác tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Rất tiếc, người thực hiện dự án đã không liên lạc được với tác giả, vì vậy Phạm Phú đã lỡ chuyến tàu đến với “Chân dung thơ Đường luật VN giai đoạn cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21”.
Với tôi, bài thơ “Nửa đông” của Phạm Phú là một bài thơ hay, nếu không muốn nói là rất hay. HT