CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU VĂN HỌC VIỆT – TRUNG LẦN THỨ NHẤT ĐỐI THOẠI VỚI NHÀ VĂN ĐÔNG TÂY

Tác giả: Hương Thu

 

Mặc dù trời Sài Gòn đang mưa tầm tã, nhưng vẫn không ngăn được những người yêu văn chương muốn tìm đến buổi giao lưu và đối thoại với nhà văn Đông Tây. Khán phòng lầu 2, hội trường B của Hội nhà văn Tp. Hồ chí Minh trong chiều ngày 27/6/2025 không còn một chỗ ngồi, nhiều người phải đứng cả ngoài hàng lang.

 

Nhà văn Đông Tây tên thật là Điền Đại Lâm, sinh năm 1966 tại Quảng Tây, Trung Quốc. Ông là nhà văn – nhà biên kịch đương đại nổi tiếng Trung Quốc, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Tây, Chủ tịch Hội Nhà văn Quảng Tây, Hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, ngoài ra ông đang giảng dạy tại Đại học Dân tộc Quảng Tây. Ông còn là Đại biểu Quốc hội Trung Quốc khóa 14 (2023–2028).

 

Với quá trình sáng tác dày dặn, nhà văn Đông Tây đã nhận được những giải thưởng danh giá của Trung Quốc như Giải Văn học Mao Thuẫn, Giải Văn học Lỗ Tấn… Riêng các tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt của ông có: Tiếng Vọng, Cái tát trời giáng, Hối hận và Mộng đổi đời.

 

Chương trình được phối hợp tổ chức bởi ba đơn vị: Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và  Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) do nhà văn trẻ Bùi Tiểu Quyên dẫn chương trình.

 

Hiện diện tại chương trình, ngoài nhân vật chính  – Nhà văn Đông Tây, còn có ông Từ Châu, Phó Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn Tp. HCM và dịch giả Nguyễn Lệ Chi.

 

Theo nhà văn Bích Ngân: Chương trình được tổ chức nhằm thắt chặt tình hữu nghị Việt Trung, phát triển việc giao lưu trao đổi văn hóa , nghệ thuật… từ đó giúp người đọc tiếp cận với các tác phẩm văn học của các hai nước. Nhất là trong thời điểm hiện tại, đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc.

 

Nhà văn Trịnh Bích Ngân còn chia sẻ thêm, chị mong muốn trong tương lai có nhiều tác phẩm của những tác giả Việt Nam được dịch sang tiếng Trung, đó là một cách để văn học Việt Nam được tiếp cận với độc giả của Trung Quốc.

 

Trong phần đối thoại với nhà văn Đông Tây, nhiều nhà văn, nhà báo, khách tham dự  đã đặt ra nhiều câu hỏi với nhà văn Đông Tây.

 

Khi được nhà văn Trịnh Bích Ngân hỏi về nguyên nhân và ý nghĩa bút danh Đông Tây của ông, nhà văn đã cho biết: ông hy vọng tác phẩm của mình sẽ lan tỏa khắp mọi nơi (từ Đông sang Tây),

 

Trả lời câu hỏi của nhà văn Trầm Hương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn tp. Hồ Chí Minh khi chị chia sẻ về những trải nghiệm của mình trong việc tìm kiếm và sử dụng tư liệu để đưa vào tác phẩm, và chị muốn biết những chọn lựa của nhà văn Đông Tây, ông đã cho biết: đối với nhà văn cần phải có trí tưởng tượng và ông cũng có những tác phẩm được hình thành từ sự thăng hoa của trí tưởng tượng, tuy nhiên đối với những tác phẩm về lịch sử thì cần phải có những tư liệu chính xác, và chất lượng tác phẩm còn tùy vào khả năng tìm kiếm của người viết như thế nào.

 

Khi đối thoại với Thạc sĩ Mỹ thuật Nguyễn Thị Thu Phương đến từ Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn chương Việt Nam, là Phó giám đốc Trung tâm, để trả lời câu hỏi “ với nhiều chức vụ, nhiều công việc khác nhau như vậy, ông có thể chia sẻ làm thế nào để cân bằng được thời gian, và dành thời gian cho những tác phẩm”, nhà văn Đông Tây đã trả lời: đó là áp lực mà tất cả những người sáng tác như ông đều phải đối mặt, lẽ tất nhiên, mỗi người đều phải có cách xoay sở của mình để hoàn thành công việc, và khi đối diện với tác phẩm ông sẽ ngắt kết nối hoàn toàn với bên ngoài.

 

Cuối chương trình, trước khi chia tay, nhà văn Đông Tây đã ký tặng sách cho nhiều độc giả ái mộ ông.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *