KHÔNG GIAN DIỆU KỲ

tác giả: Nhà văn Lệ Hồng 

Nó lắm lét nhìn cái bà đeo vàng nặng chịch, bụng nghĩ “May là bà đi ban ngày, chứ thử chiều xuống cái biết liền”. Mỏi mắt, nó liếc xéo xuống khi nghe âm thanh ồm ồm phát ra, át cả tiếng dạ của mẹ nó.

Cố gắng hiểu hai người nói gì, nhưng đầu nó ong ong. Mấy hôm nay nó nghĩ nhiều thứ, nhìn người ta đến bốc mộ lần lượt mà bụng gan nó quặn quéo. Chẳng mấy chốc nơi này thành bãi đất trống, không còn bụi cây nào che chắn cái chòi rách của mẹ con nó nữa, mấy nhà trọ nhỏ xíu, nằm còn không thẳng giò nói gì phơi bao nhựa. Nắng gắt từ đất dội lên rát cả mặt, nó co chân khoanh tay gục đầu ngủ khi nào không hay, đến khi bật dậy, mới đó đã chiều rồi!

Một khoảng sáng cam phủ lên người mẹ nhỏ xíu, tiếng mẹ rưng rức. Lòm còm lết tới níu chân rồi dụi đầu lên đùi mẹ;“Sao mẹ khóc, bà già hồi nãy ăn hiếp mẹ hả?”

Mẹ nó không nói gì, tay vuốt trán nó kéo ngược tóc xuống đến gáy. Nó ngẩng đầu lên, nhìn vệt nước loang bệt trên các đường nhăn sạm thấy thương. Nó ước mình mau lớn đi làm nuôi mẹ, không để mẹ phải cong người đẩy cái xe cút kít. Da đầu nó dày thế mà còn rát, tay mẹ thô cứng như móng trâu, quẹt tới đâu đau tới đó, nhưng nó sẽ không nói cho mẹ biết.

“Tình này!” Tiếng nấc nuốt chửng cái giọng nghẹt mũi. Nó mím môi, tim muốn vỡ ra. “Tình…nếu có chỗ cho con ăn học đàng hoàng…con chịu đi không?”

“Mẹ ở đâu con ở đó”

“Mẹ không thể, mẹ quá già”

“Mẹ có già đâu, chưa nói, cái tướng mẹ bé tị, hai mình đứng so kè là biết liền” Tiếng cười khục khặc làm tim nó ấm lại.

Linh tính báo nó biết cặp mắt kia đã nhìn thẳng vào nó, mày nhíu nhíu. Không, có chết nó cũng không bỏ mẹ lại.

“Con biết là thất học suốt đời bới rác không? Nghèo là cái tội, ngu càng tội hơn. Thế nên mình phải bám lấy cơ hội con à!”

Cả hai im lặng, tiếng rột rẹt hỉ mũi của mẹ nó phá vỡ không gian chật chội.

“Con có học ban đêm mà mẹ”.

“Không đủ, học biết chữ khác với học thành tài. Con ở với bà ấy mẹ an tâm hơn. Tuy muộn, nhưng con thông minh sẽ theo kịp. Đừng cãi mẹ”

“Bà ta là ai hả mẹ”. Cái giọng buồn buồn đang cố tỉnh rụi. Mẹ nó cũng thế; “Bà ngoại con”

“Hả, mẹ nói gì, bà ngoại…nghĩa là mẹ của mẹ, sao bà không nuôi mẹ, bà để mẹ sống không ra người gì hết, con không chịu đâu”. Nó bắt đầu giận dữ.

Mẹ kéo nó ngồi lên ghế, cằm đặt lên vai, hai tay mẹ ôm vòng quanh người nó, phán; “Con hôi như cú” Bỗng dưng hai mẹ con cười ha hả, mẹ luôn biết cách chọc nó cười, thế là cái nghèo bay biến. Nó thích mẹ hơn tất cả, chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày rời xa mẹ. Và nó đang thắc mắc nhiều nhưng chưa kịp hỏi, tiếng mẹ nó xa vắng.

“Ông ngoại con là nhạc công, theo đoàn hát lưu diễn suốt, lâu lại về thăm. Rồi đến lúc ông đi biền biệt, nghe kể ông theo một bà lên Sài Gòn sống. Lúc đó mẹ còn nhỏ lắm, không nhớ cả mặt ông. Bà ngoại và mẹ vẫn ở quê làm ruộng, nói gì ở dưới đó cũng kiếm được cái ăn. Vài năm sau bà ngoại bệnh, hai mẹ con dắt nhau lên thành phố, bà ngoại con cứ ra vô ở nhà thương cho đến khi mất”

Nó hận, tay co lại thành nấm đấm, nhưng sao nước mắt lại chảy ra.

“Lúc bà ngoại con mất, bà ấy đến, mua hòm làm ma chay cho ngoại con tại nhà tang lễ. Bà bảo ông ngoại cũng bệnh lao, chẳng sống được lâu. Coi vậy chứ bà không ác như người ta nói con à”

“Bà ấy ăn cắp ông ngoại” Nó lẫy hờn vu vơ.

“Lớn lên con sẽ hiểu. Chẳng ai cướp được con người cả, trừ khi họ không muốn đi. Nếu đã muốn thì chỉ là sớm muộn thôi”

Đúng là khó hiểu! Duy nhất nó chịu cái khoảng bà ta lo đám ma cho ngoại đàng hoàng. Ở cái chốn rác cao hơn núi này, nhiều xác quấn chiếu rồi chôn nhanh lẹ, dân tứ xứ không người thân lắm tủi hờn. Thế cũng an ủi, mẹ nói bà ta tốt thì nó sẽ tin. Lăn lộn với đám rách beng nó hiểu đời hơn mẹ tưởng. Nhiều lúc bị ăn đòn nó cũng không đánh lại để không bị bắt. Nó thấy công an thó nhiều thằng rồi, một đi là không trở lại. Mẹ có mình nó, phải ráng không hư đốn để mẹ an lòng.

“Lúc ngoại mất bà ấy muốn đưa mẹ về ở cùng. Tuổi trẻ ít học không hiểu biết, cái giận thay cho bà ngoại quá lớn làm mẹ đánh mất cơ hội được sống đủ đầy. Bà ấy cứ đi tìm mẹ, rồi bảo là bất cứ khi nào mẹ muốn về, cửa nhà luôn rộng mở”

“Mẹ về ở với con luôn nha, bà ấy cũng thương mẹ mà”

“Mẹ sẽ đến thăm con thường xuyên. Ta không nên lạm dụng lòng tốt của bà con à. Với lại nghề ve chai không hợp ở căn nhà của bà đâu, kỳ lắm. Con lớn rồi, hiểu mình cần làm gì chứ! Có muốn thành tài để nuôi mẹ không?”

“Sao không!” Thế nhưng nó cũng biết, mẹ chẳng bao giờ để ai nuôi. Sự tự trọng của người nghèo là tấm khiên chắn rất dầy, nếu đánh mất, ta sẽ thành một người khác tệ hơn. Mẹ từng bảo nó thế, và nó sẽ không làm mẹ thất vọng……

 

Phong ngẩng đầu lên, quay ngang những đôi mắt trầm. Có lẽ họ vẫn đang trôi trong câu chuyện, có lẽ họ mong ‘Nó’ được thoát xác. Phong nhìn hai người đàn bà ngồi hàng đầu, một quá già và một đang già đi. Anh mỉm cười, họ rưng rức, quãng đường ba con người lầm lũi đi thật trầy trật. Anh đã được ban cho một phép màu, và biết ơn vì điều đó. Bà ngoại không máu mủ vẫn làm nên câu chuyện cổ tích với cậu bé choàng chiếc khăn quàng đỏ. Phong cuối xuống, tay lật trang sách….

“….Nó đã trưởng thành trong biển người đang lướt sóng, điềm tĩnh bước thật chậm. Ba người họ cùng đi dạo vườn hoa diệu kỳ”.

 

Phong đóng cuốn tự truyện lại, một lần nữa mắt cười với hai người phụ nữ đẹp nhất. Âm thanh bắt đầu râm ran trong khán phòng, hoa và sách.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *