NHÀ THƠ MINH HỒ VÀ NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG NGÔN NGỮ

     Tác giả: MAI HUY BÍCH

NHỚ VỢ

Mình đi từ ấy bỏ mình tôi

Vò võ đêm chầy lắm khúc nôi

Cơm nhạt trễ tràng tay vụng nấu

Nhà hoang lạnh lẽo gió xa bồi

Đời như ngắn lại từng cơn mộng

Ngày bỗng dài ra một kiếp người

Đốt nén hương buồn trông bức ảnh

Ngậm ngùi gậm nhấm nỗi đơn côi.

                                         MINH HỒ

Bài thơ thật sự gây xúc động cho người đọc. Nhớ vợ! “Mình đi từ ấy bỏ mình tôi”, ngay từ câu mở đề tác giả đã cho người đọc thấy hết nỗi cô đơn của mình qua phép tu từ được sử dụng một cách tinh tế. Hai từ “mình” được lập lại trong một câu thơ như sự nhấn mạnh –  khẳng định về một nỗi cô quạnh đang xâm chiếm cả tâm hồn tác giả. Mình đi… mình tôi! Chữ “Mình” thứ nhất là đại từ nhân xưng, tác giả dành để gọi người bạn đời yêu quý, chữ “mình” thứ hai là trạng từ chỉ trạng thái cô đơn. “Mình tôi!” Vâng, chỉ một mình thôi, không ai cả… đó chính là nỗi cô quạnh trong tâm hồn, bởi trên thực tế có thể tác giả còn có những người thân yêu khác nữa, nhưng để hiểu được mình và chia sẻ những đắng cay bùi ngọt cùng nhau thì dường như chỉ có người vợ tào khang tấm mặn. “Vò võ đêm chầy lắm khúc nôi”, bây giờ thì không chỉ có nỗi cô đơn đang dày xéo tâm hồn tác giả, mà còn vô vàn những nỗi đau khác đang lần lượt kéo về theo từng thước phim dĩ vãng: sự nhớ nhung, nỗi tiếc nuối, cũng có khi cả niềm hối hận nữa …vì cuộc sống vốn là vậy, người ta chỉ thật sự thấy hối tiếc khi mình đã mất đi một thứ gì đó, hay một ai đó, khi ấy con người mới nhận ra chân giá trị của những thứ mà ta cứ tưởng như thật bình thường khi mỗi ngày vẫn ở quanh ta, trong tầm tay của chúng ta. Tác giả cũng vậy, giữa những “Đêm chầy”, nằm thao thức với những trăn trở khôn nguôi, những tâm sự không thể giải bày cùng ai được. Hai từ “khúc nôi” nhà thơ Minh Hồ đã dùng thât “đắc”. Nó như một mật hàm ẩn chứa bên trong biết bao điều sâu thẳm của thế giới nội tâm tác giả.  Là tâm trạng rối bời, đau đớn, nhớ thương, cô độc của chính con người tác giả, là những nghĩ suy về thân phận, về cuộc đời, về những kỷ niệm vui buồn đan xen nhức nhối, về người vợ tào khang đã mất … rất nhiều, rất nhiều những dòng suy tư như thế cứ diễn ra, cứ xô nhau chạy trong tâm thức. Sẽ không có từ nào hay hơn được, bao hàm ý nghĩa hơn được.

Cơm nhạt trễ tràng tay vụng nấu/ nhà hoang lạnh lẽo gió xa bồi”. Một cặp đối thật chỉnh chu đến mức không thể nào chỉnh chu hơn được. Cuộc sống cứ như một dòng chảy trôi đi, những đứa con lớn lên như những cánh chim, lần lượt rời xa tổ ấm, xa rời vòng tay của cha mẹ để lao vào vòng quay tất bật cơm áo gạo tiền, ngôi nhà xưa còn lại đôi bóng già nua, nương tựa vào nhau, họ như hai người bạn đồng hành tri kỷ có nhau trên từng bước đường xuôi ngược, và khi một trong hai người rời xa người kia mãi mãi, cuộc sống của người còn lại sẽ như một bi kịch nếu họ không tự vươn lên, vượt qua được nỗi đau, nhất là đối với những người đàn ông, họ được tiếng là phái mạnh, song thực sự họ yếu đuối hơn ta tưởng, bởi họ được chăm sóc trong vòng tay của người bạn đời yêu quý như một “đứa – trẻ – sống – lâu – năm”, vì vậy khi người phụ nữ của cuộc đời họ mất đi, họ chới với, mọi thứ đều đảo lộn, những bữa cơm ngon canh ngọt sẽ không còn, thay vào đó là “cơm nhạt trễ tràng tay vụng nấu”. Tay vụng thì đã hẵn rồi, nhưng vì sao lại “trễ tràng”? vì buồn, vì chẳng muốn ăn, cho đến khi đói lắm mới nghĩ đến bắt nồi cơm. “Nhà hoang lạnh lẽo gió xa bồi”. Sao lại nhà hoang? Phải chăng tác giả là người vô gia cư phải tá túc nơi chốn “nhà hoang”? xin đừng nghĩ như vậy. Nhà thơ Minh Hồ đã sử dụng phép tu từ ẩn dụ, hay nói như dân thơ Đường luật là “ý tại ngôn ngoại”. Đó chính Là sự hoang vu trong tâm hồn. Với tác giả chỉ cần vắng đi người vợ yêu quý, cuộc đời sẽ hoang vu, căn nhà sẽ hoang vắng dù có thể vẫn còn đó con cháu quanh mình. Một cặp thực đã làm đầy đủ nhiệm vụ của nó, mô tả được cả cảnh cả tình của nhân vật chính. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen cụ thể rõ ràng, nghĩa bóng xót xa đau đớn. Quả không hổ một trong những cây bút lão làng của làng thơ Đường luật Sài thành nói riêng và cả nước nói chung.

Đến cặp luận thì “Đời như ngắn lại từng cơn mộng/ ngày bỗng dài ra một kiếp người”. Hai câu thơ mang đầy tâm sự với tính triết lý sâu sắc, đã khiến con tim người ta có thể nhói đau. Về kỹ thuật là một cặp đối quá hoàn chỉnh đến người khó tính nhất cũng không thể bắt bẻ vào đâu được. Cuộc sống đối với tác giả kể từ khi người bạn đời yêu quý mất đi, dường như không còn thi vị nữa, ngày cứ kế tiếp qua đi một cách hờ hững, nhà thơ ngồi đếm từng giấc mộng trôi qua, để thấy quãng đường phía trước cứ từng giây ngắn lại, quỹ thời gian cứ thế hao mòn… nhưng đau đớn đến tột cùng chính là “ Ngày bỗng dài ra một kiếp người”. Đời thì ngắn lại, ngày thì dài ra… một sự đối lập thật bi đát! Với những người đang hạnh phúc thì thời gian đối với họ bao nhiêu cũng không đủ, họ muốn thời gian ngừng trôi để được chìm đắm mãi trong những niềm vui và hạnh phúc đang có. Ngược lại, thời gian sẽ là nỗi chán chường đối với những người đầy tâm trạng như tác giả. Mỗi giây trôi qua sẽ dài như hằng thế kỷ! bởi bao nhiêu sự nhớ thương, nỗi chán chường, sự tiếc nuối đã lên đến cao độ, đến nỗi tưởng chừng như không thể nào chịu đựng thêm được nữa. Mỗi một giây trôi qua là một gánh nặng đến khủng khiếp cứ đè lên tâm hồn nhà thơ với tất cả sự dằn vặt, nhớ thương, đau khổ… Hai câu thơ đã làm nên tất cả giá trị của bài thơ! Phải là người mang đầy tâm trạng mới viết được như thế.

“Đốt nén hương buồn trông bức ảnh/ ngậm ngùi gậm nhấm nỗi đơn côi”. Với tôi nhà thơ Minh Hồ như một nhà nghệ thuật ngôn ngữ, mỗi từ ngữ tác giả sử dụng đều được chắc lọc để làm sâu hơn, rộng hơn ý tứ của một bài thơ Đường luật vốn bị hạn hẹp trong 56 từ. “Gậm nhấm” sẽ không thể có từ nào hay hơn nữa, diễn đạt sâu hơn nữa. “Ngậm ngùi gậm nhấm nỗi đơn côi”. Đó không phải là nỗi cô đơn hay nỗi đau bình thường, như một vết thương ngoài da sẽ sớm lành. Đó chính là nỗi đau, nỗi đơn côi cứ ngấm dần, ngấm dần, mỗi ngày đục khoét một ít tâm hồn tác giả cho đến khi kiệt quệ và gục ngã, như lũ mọt kia cứ gậm nhấm dần thân cây cho đến khi không còn gì để gậm nhấm nữa. Một cặp kết thật đắc.

Là một trong những cây bút từng được coi là một trong “tứ trụ thơ Đường luật của đất Sài Thành” những năm 70 của thế kỷ 20 gồm các nhà thơ Trương Quân, Trình Xuyên, Minh Hồ và Điền Đăng. Nhà thơ Minh Hồ vốn là một nhà Nho xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, giỏi chữ Hán. Bài “Nhớ Vợ” là một trong những bài thơ gây cảm xúc cho người đọc nhiều nhất được trích từ  tập thơ “Sông Mây” năm 2007, NXB Văn Nghệ.

Ông mất ở Tp, HCM năm 2016 thọ 96 tuổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *