TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM NHÀ VĂN HÓA LỚN CỦA VIỆT NAM

Người viết: Đặng Thị Quảng Bình

Ông sinh năm Tân Hợi (1491), niên hiệu Hồng Đức thứ 22  triều vua Lê Thánh Tông – một triều đại được xem là thịnh trị nhất thời hậu Lê nước Đại Việt thời bấy giờ. Quê quán ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng). Sinh ra trong một gia đình lễ giáo, có học thức. Cha ông là Giám sinh Nguyễn Văn Định, đạo hiệu Cù Xuyên, vốn là người rất hay chữ, song học tài thi phận, đường công danh chưa hiển đạt. Mẹ ông là bà Nhữ Thị Thục, con của Tiến sĩ Thượng thư Bộ Hộ, làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông. Bà là một phụ nữ có bãn lĩnh, nhiều tham vọng, vốn là người  tinh thông tướng số, bà muốn tìm một người chồng xứng đáng, có thể tạo nên đế nghiệp, song ước mơ không toại nguyện vì đâu dễ tìm được người tài trong thiên hạ, nhất là người có số đế vương! Cuối cùng bà chọn ông Định, bởi bà biết ông là người sinh được quý tử. Để thực hiện giấc mộng đế vương của mình, bà luôn giáo dục theo định hướng cho con  trở thành một vị vua sau này, nhưng ông Giám Sinh Nguyễn Văn Định sợ bị tội khi quân, vì vậy hai người đã không đồng quan điểm trong giáo dục con cái, mẹ ông thất vọng bỏ đi. Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên trong vòng tay và sự giáo dục của cha.

Là người thông minh kiệt xuất, thừa hưởng tư chất từ mẹ, và sự dạy dỗ của người thầy danh tiếng – Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, ông đã trở thành một nhà tiên tri lỗi lạc, có thể đoán được sự việc đến 500 năm sau, được dân gian truyền tụng và tôn ông danh hiệu: Nhà tiên tri số một của Việt Nam.

Cũng nhờ tài tiên tri kiệt xuất, ông đã giúp thành công nhiều người khi tìm đến ông.

Nguyễn Hoàng, năm 1545, khi cha là Nguyễn Kim   bị đầu độc chết, quyền bính trong triều lúc bấy giờ đều rơi vào tay người anh rể là Trịnh Kiểm, anh cả của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông cũng bị Trịnh Kiểm giết chết. lo sợ trước thế lực của Trịnh Kiểm, không biết tính sao, Nguyễn Hoàng đã tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để thỉnh giáo. Hai người lúc bấy giờ đang ở trước sân, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn hòn non bộ, thủng thẳng nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, nghĩa là “một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài”. Nguyễn Hoàng nghe theo, và sau này làm nên nghiệp lớn.

Nhà Mạc, lúc sắp mất, đứng trước tình hình “ngàn cân treo sợi tóc” cũng tìm đến ông. Ông khuyên vua tôi nhà Mạc: “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể”, câu ấy có nghĩa là: “Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được”. Nhà Mạc nghe lời ông và quả thật đã giữ được đất 80 năm dài.

Nhà Lê – Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết, không có con nối ngôi, Trịnh Kiểm muốn thay ngôi nhà Lê, nhưng còn sợ tiếng đời dị nghị, bèn sai người đến hỏi ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm ung dung quay sang chú tiểu đang đứng cạnh mình nói:”giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”. Thật ra câu nói này, Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn nói với tay sai của Trịnh Kiểm: “Nếu vẫn giữ phận bề tôi với nhà Lê thì thuận hơn”. Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm tôn thất nhà Lê, thuộc dòng dõi Lê Trừ (anh của Lê lợi) đưa lên làm vua, tức là vua Lê Anh Tông. Lê Anh tông là một vị vua bù nhìn, vì thực quyền tất cả đều nằm trong tay Trịnh Kiểm. Cả hai Lê – Trịnh đều dựa vào nhau, tồn tại đến ngoài 200 năm. Dân gian có câu: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”.

Gần nhất với thời đại chúng ta, đó là cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng đã được Trạng Trình dự báo qua hai câu thơ lục bát: “Đầu Thu gà gáy xôn xao/ trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”. Các nhà nghiên cứu, sau này đã giải mã như sau: “Đầu Thu” – ứng với tháng 7 âm lịch (tháng 8 dương lịch), “gà” ứng vào năm Ất Dậu – đó là thời điểm diễn ra sự kiện. “Gáy xôn xao” – là thức tỉnh mọi người. Trăng xưa” là “cổ nguyệt”, nếu ghép từ theo chữ Hán là “Hồ” ứng vào chủ tịch Hô Chí Minh. “soi vào Thăng Long”, là sự kiện bác Hồ đọc tuyên ngôn tại  quảng trường Ba Đình – Thăng Long – Hà Nội.

Ngoài ra còn nhiều sự việc khác, đều lần lượt được giải mã, tất cả đều nằm trong các quyển: “Sấm ký Nguyễn  Bỉnh Khiêm” hay còn gọi là “Sấm Trạng Trình”.

Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên trong giai đoạn lịch sử vô cùng rối ren, đại loạn – đó là thời Triều đại nhà Lê sơ đang đi vào khủng hoảng, suy tàn. Nhận thức được rằng: ra làm quan trong giai đoạn này, cũng chẳng giúp gì được cho một triều đình đã mục rữa. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ qua hết 9 kỳ thi lớn. mãi tới năm Đại Chính thứ 6, đời Mạc Thái Tông tức Mạc Đăng Doanh- vị vua thứ hai của triều Mạc (sau Mạc Đăng Dung), lúc bấy giờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã 45 tuổi, ông mới quyết định ra ứng thí và đậu ngay Trạng nguyên. Ông lần lượt được bổ nhiều chức quan như: Đông Các hiệu thư – chuyên soạn thảo, sửa chữa các văn thư của triều đình, Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông Các Đại học sĩ.

Năm Đại chính thứ 11(1540), Mạc Thái Tông qua đời, Mạc Đăng Dung lập cháu nội là Mạc Phúc Hải lên ngôi. Mạc Phúc Hải là vị vua nhỏ tuổi, chưa đủ sức nắm quyền bính, điều hành triều chính. Vì vậy, triều đình vô cùng nhiểu loạn, các quan chia thành năm phe bảy phái. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ xin trị tội 18 lộng thần – trong đó có cả con rể của ông, nhưng không được vua chấp thuận. năm 1542, ông xin về ở ẩn, sau khi đã làm quan được 8 năm.

Mặc dù đã từ quan ở ẩn, song năm 1544 triều đình nhà Mạc vẫn cho người về phong cho ông tước Trình Tuyền Hầu, rồi lại thăng chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công, đó cũng là lý do dân gian gọi ông là Trạng Trình.

Thời gian lui về ở ẩn, tiếng là qui điền, song Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn tham gia triều chính, do vua Mạc đặc biệt có lòng yêu kính đối với ông, xem ông như một bậc quân sư đáng kính, những việc trọng đại đều cho người về hỏi. Suốt gần hai mươi năm, khi thì theo xa giá nhà vua, dẹp yên loạn lạc, khi thì được vời về để bàn quốc sự. mãi đến năm 74 tuổi ông mới chính thức treo ấn từ quan.

Ông lập Am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, lập quán Trung Tân, làm cầu Nghinh Phong, Trường Xuân để giúp dân trong việc đi lại được thuận tiện. Ngoài ra ông còn mở trường dạy học cạnh bên bờ sông Tuyết, vì vậy Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có tên gọi là Tuyết Giang Phu Tử.  Học trò ông sau này có nhiều người đã thành danh như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Hàn Giang cư sĩ Nguyễn Văn Chính (con trai cả Nguyễn Bỉnh Khiêm) … ông mất vào tháng 11 năm Ất Dậu, năm 1585, thọ 95 tuổi. Để tỏ lòng tôn trọng với vị đại thần tài ba mẫn cán, vua nhà Mạc đã cử Phụ chính đại thần Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng – người được nhà vua tôn trọng như cha – cùng bá quan văn võ về dự lễ tang của ông. Điều đó đã nói lên uy tín của ông đối với triều đình nhà Mạc sâu sắt đến chừng nào.

Đối với lịch sử Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhìn nhận là Nhà văn hóa lớn của dân tộc. Không những thế, ông còn là một chính khách có uy tín, bậc hiền triết, nhà tiên tri, nhà thơ lớn với nhiều tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn học nước nhà.

Về thơ chữ Hán: Bạch Vân Am thi tập với cả ngàn bài thơ ca ngợi cảnh sắc, thú tiêu dao, tức sự …vv… trong lời đề tựa cho tập sách, ông viết: “…Mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vịnh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy, hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý, hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được tất cả nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là Tập thơ am Bạch Vân” (Bạch Vân am thi tập tiền tự)

Về thơ chữ Nôm: Bạch vân Quốc ngữ thi tập, hiện còn lưu lại 180 bài, được làm theo lối Đường luật và Lục ngôn. Song, ông chỉ sáng tác mà không đặt tựa đề cho từng bài thơ. Những nhà biên soạn thơ ông sau này đã làm việc đó.

Các nhà nghiên cứu văn học, đã đánh giá khá cao về những tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói chung, và thơ nói riêng. Mỗi người mỗi góc nhìn về tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, song đều tựu trung ở một số điểm: “Thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên”- đó là lời nhận xét của Phan Huy Chú – một danh sĩ thời nhà Trần – đã viết trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí. Ôn đình Hầu Vũ Khâm Lân cũng có cùng quan điểm trên khi nhận xét về tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

GS Nguyễn Huệ Chi, trong bài tham luận “Bước đầu suy nghĩ về Văn học Mạc” đã nhận định: thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm là loại thơ văn “Trữ tình lý trí”. Nghĩa là, tính trữ tình vẫn có, song nhà thơ đã dám tiên phong đi vào những thực  tế của cuộc sống xã hội, những ngóc ngách của cuộc sống, và phác họa lên một chân dung hết sức sống động của xã hội đương thời – điều trước đó chưa ai làm, bởi thơ văn thời ấy luôn mang tính ước lệ, chung chung, mỹ hóa cuộc sống, mỹ hóa xã hội và cả tâm lý con người. Nguyễn Bỉnh Khiêm khác hơn, ngòi bút của ông đã phản ánh một cách trung thực nhất bối cảnh xã hội ông đang sống. Ông đã viết trong một bài thơ, nội dung khuyên những kẻ giàu có, không nên đối xử tàn độc với người đi vay nợ, chẳng hạn như cho tay chân đến đập phá nhà cửa, xiết đồ đạc…vv… một thảm cảnh của người nghèo thời phong kiến.

“Kẻ khó thường làm ích kẻ giàu/ ở thì phải ngẫm biết nhường nhau/ bán kia chẳng nỡ mua cho rẻ/ vay nọ xin đừng lấy lãi đau…”. Nổi tiếng là nhà lý học, vì vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cực lực phản đối những thứ học thuật nhảm nhí: “Phúc địa chi cho cho đứa cưỡng cầu/ được chăng dun dủi bởi cơ mầu”.

PGS .TS  Trần Thị Băng Thanh (Viện Văn học), đã đánh giá: Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ viết nhiều nhất trong năm thế kỷ đầu của nền văn học viết Việt Nam.

Đúng vậy, ông có một số lượng tác phẩm không hề nhỏ so với các tác giả thời ấy. Không những chỉ “quán quân” về số lượng, ông còn “quán quân” về nguyên tắc sáng tác, là người trung thành tuyệt đối với “thơ ngôn chí” – một nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng của thơ thời Trung đại. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không vì bám sát “ngôn chí” làm mất đi tính phong nhã của thơ. Mặc dù đậm chất triết lý, nặng tính giáo huấn, song vẫn không làm người ta chán đọc.

        Chẳng nên để, ắt chẳng nên dùng

        Lẩn thẩn qua ngày luống nhọc công

        Quân tử mới hay nơi xuất xử

        Trượng phu cũng có chí anh hùng

        Nhân tài làm trọng: đời nào khỏi?

       Thiên hạ chẳng tư: của ấy chung.

      Cảnh cũ vẫn còn non nước cũ

      Chốn nào là chẳng chốn xuân phong?

        Bài thơ trên Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn gởi đến người đời một thông điệp về cuộc sống: nên xử thế một cách linh hoạt, hợp thời, không nên  bám víu vào những cái cũ khi những điều ấy chẳng giúp ích được gì cho cuộc sống của chúng ta.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo cho mình một phong cách thơ rất riêng biệt, không nhầm lẫn vào đâu được, với những bài thơ mang tính lý luận, triết lý nhân sinh, và đó cũng chính là phong cách thơ của ông.

Ngoài những tác phẩm để lại trong Bạch Vân Am thi tập và Bạch Vân Am Quốc ngữ thi, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn để lại nhiều bài bi ký (văn bia) nổi tiếng như: Trung Tân Quán bi ký, Thạch Khánh ký, Tam giáo tượng bi minh…

Trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu “Sấm Trạng Trình”, đa số được viết ở thể loại Lục bát, và đó cũng là một mảng văn học cần nghiên cứu.

 

           MỘT SỐ BÀI THƠ TRÍCH TỪ CÁC TÁC PHẨM

          CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM

 

           CỰ NGAO ĐỚI SƠN

 Bích tầm tiên sơn triệt đế thanh

         Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh

         Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực

        Trước cước trào vô quyển địa thanh

        Vạn lý Đông minh quy bá ác

        Ức niên Nam cực điện long bình (*)

        Ngã kim dục triển phù nguy lực

       Vãn khước quan hà cựu đế thành

 

 Dịch thơ:

 Núi Tiên, nước biếc thật trong xanh

       Rùa lớn đội non vũng ngọc thành

       Đầu ngẩng vá trời dăm phiến đá

       Chân dầm cuộn sóng chẳng âm thanh

       Đông ngàn vạn dặm bàn tay giữ

       Nam cực muôn năm cảnh trí bình

       Những quyết phò nguy thi thố sức

      Quan hà tiên tổ giữ lưu danh

( Hương Thu cảm dịch)

SẤM KÝ

1- Thanh nhàn vô sự là tiên

       Năm hồ phong nguyệt ruổi thuyền buông chơi

       Cơ tạo hoá

       Phép đổi dời

Đầu non mây khói tỏa

      Mặt nước cánh buồm trôi

       Hươu Tần mặc kệ ai xua đuổi

       Lầu Hán trăng lên ngẫm mệnh trời

       Tuổi già thua kém bạn

       Văn chương gửi lại đời

       Dở hay nên tự lòng người cả

       Nghiên bút soi hoa chép mấy lời

      Bí truyền cho con cháu

      Dành hậu thế xem chơi.

 

37- Lê tồn, Trịnh tại,

       Lê bại, Trịnh vong.

       Bao giờ ngựa đá sang sông,

      Thì dân Vĩnh Lại quận công cả làng.

       Hà thời thạch mã độ giang.

       Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu

 

    77- Khỉ nọ ôm con ngồi khóc mếu

      Gà kia vỗ cánh chập chùng bay

      Chó nọ vẫy đuôi mừng thánh chúa

      Ăn no ủn ỉn lợn kêu ngày.

 

      117- Ngỡ may gặp hội mây rồng

      Công danh rạng rỡ chép trong vân đài

      Nước Nam thường có thánh tài

      Sơn hà đặt vững ai hay tỏ tường?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *