VĂN HỌC THỜI TIỀN LÊ Sự đóng góp cho việc khai mở nền Văn học Việt Nam

Người viết: Hương Thu

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Là thời kỳ chuyển tiếp của nhà Đinh. Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị ám hại, Vệ Vương Toàn lên ngôi, vua còn nhỏ tuổi, do vậy lê Hoàn làm phụ chính, xưng là Phó Vương. Thời nhà Đinh, Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân, là người tinh thông võ nghệ. Năm 980, quân Tống nhân cơ hội, triều chính nước Đại Cồ Việt có sự xáo trộn, rối ren, bèn cho quân sang đánh phá, với ý đồ thừa cơ cướp nước. Dương Thái hậu bèn triệu tập triều thần và đưa Lê Hoàn lên làm vua, lập ra nhà Tiền Lê.

Lê Đại Hành là người có công dẹp giặc Tống, đem lại thanh bình cho đất nước. Là một vị vua biết chăm lo đời sống cho dân, ông đã xây dựng nhiều công trình xã hội, phát triển nông nghiệp. Song, đáng tiếc, những vị vua kế tiếp của nhà Tiền Lê đã không nối được chí cha ông. Khi vua Lê Đại Hành mất, các con bắt đầu tranh giành ngôi vị, triều chính bỏ không, việc nước rối ren, xã hội loạn lạc. Hoàng tử thứ ba, Lê Long Việt lên ngôi sau khi đã giết hoàng tử thứ hai Lê Ngân Tích. Vua lấy hiệu là Lê Trung Tông, ở ngôi được ba ngày, thì bị người em cùng mẹ Lê Long Đĩnh giết chết để soán lấy ngôi vị.

Lê Long Đĩnh là vị vua kém tài kém đức, chỉ biết ăn chơi sa đọa, không ngó ngàng gì đến việc nước việc dân. Triều chính năm phe bảy phái. Nhìn chung đây là thời kỳ vô cùng rối ren của lịch sử Việt Nam.

II. CÁI NHÌN TỔNG THỂ VỀ VĂN HỌC TRONG THỜI TIỀN LÊ

Nhà Tiền Lê, ngoài vua Lê Đại Hành là vị vua tài đức, còn lại, hai ông vua kế tục đều vô tài, kém đức, do vậy, nền văn học thời Tiền Lê, chủ yếu phát triển ở thời Lê Đại Hành. Nhìn chung mặt bằng văn học thời này còn khá sơ khai, song  các  nhà nghiên cứu văn  học đã đánh giá :”Là giai đoạn đầu tiên của nền Văn học Việt Nam”, nghĩa là văn học Tiền Lê đã mở ra một bước ngoặc lớn cho nền Văn học viết Việt Nam.

Thành quả lớn nhất của nền Văn chương thời này là hai tác phẩm vô tiền khoán hậu: Nam quốc sơn hà và Quốc tộ. Nếu Nam quốc sơn hà được xem như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, thì Quốc tộ là bản tuyên ngôn đầu tiên về hòa bình.

Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng kể trên, nhiều tác phẩm khác đã được viết dưới dạng “Thơ sấm” và các áng văn dùng trong việc bang giao.

III. TÁC PHẨM VÀ TÁC GIẢ:

  1. Thiền sư Vạn Hạnh:

Thời Tiền Lê nói riêng và các thời kỳ trước thế kỷ thứ X nói chung, đạo Phật rất được xem trọng, các vị thiền sư thường là những vị quốc sư, những nhà cố vấn cho các vị vua. Một trong những vị thiền sư nổi tiếng thời Tiền Lê là nhà sư Vạn Hạnh. Ông được tôn trọng và tin tưởng đến mức, hễ điều gì do sư Vạn Hạnh nói ra, đó là lời sấm ký.

Sấm ký cũng được xem là một mảng của nền văn học. Người xưa tin tưởng vào sấm ký như một lời tiên tri báo trước việc “thiên cơ”, song thực tế, sấm ký là các bản văn được tác giả viết với một “ý đồ” riêng nhằm phục vụ chính trị, hoặc “chiến tranh tâm lý”. Có lẽ cũng trên cơ sở đó, thiền sư Vạn Hạnh đã từng có bài sấm báo trước nhà Lý sẽ thay nhà Tiền Lê:

  • Bản diễn âm:

“Tật lê trầm Bắc thủy

Lý tử thụ Nam thiên

Tứ phương can qua tĩnh

Bát biểu hạ bình yên”

  • Bản dịch

Cây tật lê chìm biển Bắc

Cây lý mọc trời Nam

Bốn phương binh đao lặng

Tám cõi được bình an

Chẳng qua, lúc bấy giờ nhà Tiền Lê đã có dấu hiệu suy vong, Lê Long Đĩnh ngoài việc ăn chơi trụy lạc có biết gì đến vận nước non, một nhà nước như vậy, tất sẽ bại vong – đó là điều kẻ thức giã đều có thể nhận ra.

        2. Thiền sư Pháp Thuận:

Tên thật là Đỗ Pháp Thuận, là thiền sư đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Sư trụ trì ở Chùa Cổ Sơn, làng Thừ, quận Ải.

Về tiểu sử chưa có nhiều tài liệu viết rõ về ông, chỉ biết ông là người thông minh xuất chúng, xuất gia từ thời niên thiếu, học rộng và đặc biệt có tài về thơ phú. Ông cũng là một vị Thiền sư được tôn kính dưới triều Lê Đại Hành.

Giai thoại kể rằng: vào năm 987, sứ Tống tên là Lý Giác, đi sứ sang nước ta, vua Lê Đại Hành cho Pháp Thuận cải trang thành người chèo đò đưa sứ sang sông để dò la ý tứ, hành động của sứ Tống. Khi thuyền đi trên sông nhác thấy đôi ngỗng trắng, lý Giác buột miệng:

Nga nga lưỡng nga nga

Ngưỡng diện hướng thiên nha

Pháp Thuận mĩm cười tiếp luôn hai câu:

Bạch mao phô lục thủy

Hồng trạo bãi thanh ba.

Sứ Tống rất lấy làm kinh ngạc và không dám có thái độ xem thường người Việt chúng ta.

Ngoài ra, Thiền sư Pháp Thuận còn nổi tiếng với bài thơ Quốc tộ. Bài thơ được các nhà nghiên cứu văn học đánh giá là: “Tác phẩm mở đầu cho dòng văn học Viết Việt Nam”. Là một bản tuyên ngôn về hòa bình. Bài thơ được ra đời từ một cuộc trao đổi giữa vua Lê Đại Hành và thiền sư Pháp Thuận về quốc sự. Khi vua hỏi, “vận nước được dài ngắn bao lâu”, nhà sư đã đáp bằng bài thơ Quốc tộ:

QUỐC TỘ

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư đạo các

Xứ xứ tức đao binh.

Diễn nghĩa

Vận nước dài lâu như dây mây quấn quýt

Ở trời Nam phải dựng mở thái bình

Nhà vua sống vô vi ở trong cung điện

Thì khắp nước sẽ tắt hết chiến tranh

Bài thơ tạm dịch như sau:

Vận nước như mây nối bước dài

Thanh bình Nam quốc hướng tương lai

Nếu như điện ngọc vô vi lạc

Thiên hạ thái bình khắp chốn đây.

        Bài thơ xuất phát từ một cuộc vấn đáp, do vậy không có tựa bài. Sau này, trong “Thơ văn Lý – Trần tập 1”, là tập sách đầu tiên giới thiệu về bài thơ, người ta đặt tựa cho bài thơ là: “Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn”. Năm 1980, trong Tổng tập văn học Việt Nam (tập 1), người biên soạn đặt lại tên cho bài thơ là “Quốc tộ”, nghĩa là “vận nước”. Có thể nói, đây là bài thơ có tên tác giả xuất hiện sớm nhất, nên các nhà biên soạn, nghiên cứu văn học trong các tuyển tập thơ văn cổ, hay sách văn học sử, thậm chí đến cả sách giáo khoa đều đánh giá: Quốc tộ là bài thơ đã khai sáng cho nền văn học cổ Việt Nam.

Cũng như Nam quốc sơn hà, bài thơ Quốc tộ đậm chất chính luận. Thiền sư Pháp Thuận đã gởi một thông điệp về hòa bình, lấy đức trị nhân,  không những đối với  nhà vua, mà còn dành cho nhân loại trên thế giới. Một thế giới chỉ thực sự hòa bình khi con người biết yêu thương nhau. Tư tưởng tam giáo đã được Thiền sư đưa vào bài thơ, để hướng đất nước đến cảnh thái bình an lạc. Tư tưởng “vô vi”, gồm vô vi của đạo giáo, “vô vi pháp” của Phật giáo, “vô vi nhi trị” của Nho giáo. Tất cả đều khuyên con người sống có đạo đức, yêu thương lẫn nhau. Nhà vua, người lãnh đạo cả nước phải biết lấy đức để trị vì thiên hạ, có như thế đất nước mới thái bình thịnh trị. Với nội dung, ý nghĩa như trên, bài thơ “Quốc tộ” đã trở thành một bản tuyên ngôn về hòa bình đầu tiên của nước “Đại Cồ Việt” ngàn xưa, và Việt Nam ta ngày nay vậy.

3. Thiền sư Khuông Việt:

Tên là Ngô Chân Lưu, theo sử sách là hậu duệ của Ngô Quyền. Thời Đinh Tiên Hoàng được giao chức Tăng Thống, và ban hiệu “Khuông Việt đại sư”, nghĩa là “Nhà sư lớn khuông phò nước việt”. Dưới triều Lê Đại Hành, nhà sư cũng rất được vua tôn kính, xem như một bậc quốc sư.

Cũng trong năm 987, sau khi sứ Tống đến nước ta, được thiền sư Pháp Thuận đón tiếp trong vai người chèo đò, ứng đối khiến sứ Tống nể phục, khi Lý Giác ra về, vua sai Khuông Việt tiễn sứ. Thiền sư Khuông Việt đã làm một bài từ theo điệu Vương lang quy để tiễn sứ, bài từ như sau:

Tường quang phong hảo cẩm phàm trương,

Dao vọng thần tiên phục đế hương.

Thiên trùng vạn lý thiệp thương lang,

Cửu thiên quy lộ trường.

Tình thảm thiết,

Đối ly trường,

Phan luyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị Nam cương

Phân minh tấu ngã hoàng. 

Diễn nghĩa:

Trời lành gió thuận, gấm buồm dương

Xa ngóng thần tiên về chốn đế hương

Ngàn trùng vạn dặm biển mênh mang

Đường về  xa dặm trường

Tình ray rứt

chén lên đường

Bịn rịn vịn xe sứ giả

Nguyện đem thâm ý vì Nam bang

Tâu rõ ràng cùng Hoàng thượng

Phỏng dịch thơ:

Trời lành, gió thuận, buồm giương

Thần tiên về chốn đế hương xa vời

Nghìn trùng mặt biển đầy vơi

Trời  xa muôn nẻo chia phôi dặm trường

Chén tình ray rứt lên đường

Vịn xe sứ giả vấn vương nghẹn ngào

Người về thâm ý xin trao

Tâu cùng thánh chúa những bao sự tình.

Bài từ lời lẽ tao nhã, thân tình, dễ cảm động lòng người, mang ý nghĩa to lớn về chính trị bang giao, ngoài ra còn có  giá trị về dấu ấn văn học. Đó là áng văn chương mở đầu cho thể loại Từ khúc của nền văn học cổ, để sau đó trở thành danh thể Tống từ nổi tiếng, tiếp nối Đường thi, Hán phú…

4. Nam quốc sơn hà

Bài thơ nổi tiếng qua bao thế hệ, và đã được công nhận như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt ta. Tuy nhiên, nguồn gốc và tác giả, chưa ai có thể khẳng định. Tất cả chỉ là truyền thuyết về một bài “thơ thần”, do “thần” đọc, từ truyền thuyết đánh giặc Tống của đất nước ta. Trước đây, người ta cứ nghĩ là của danh tướng Lý Thường Kiệt, và tiếp tục nhiều thời gian sau đó mọi người vẫn tin như vậy, cho đến khi những nhà nghiên cứu văn học đi tìm sự thật về bài thơ, đã tìm thấy trong bài “Lịch sử, sự thật và sử học” của GS Hà Văn Tấn nội dung như sau:

“Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả. Sử cũ chỉ chép rằng trong trận chống Tống ở vùng sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ nghe tiếng ngâm bài thơ đó trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát. Có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt đã cho người ngâm thơ. Đi xa hơn, có thể đoán rằng Lý Thường Kiệt là tác giả của bài thơ. Nhưng đó là đoán thôi, làm sao nói chắc được bài thơ đó là của Lý Thường Kiệt. Thế nhưng, cho đến nay mọi người dường như đều tin rằng đó là sự thật, hay nói đúng hơn, không ai dám nghi ngờ đó không phải là sự thật”.

Nhiều sử liệu đã ghi chép lại rằng: bài thơ được “Thần” đọc hai lần: một lần vào năm 981, bài thơ giúp tướng quân Lê Hoàn đánh thắng giặc Tống trong chiến tranh Tống – Việt. Lần thứ hai vào năm 1077, “thần” đọc giúp tướng quân Lý Thường Kiệt tiếp tục đánh giặc Tống và chiến thắng trong trận chiến ở sông Như Nguyệt.

Các nhà nghiên cứu gần đây thống nhất quan điểm Nam quốc sơn hà là bài thơ, xuất hiện dưới thời Lê Đại Hành. Hiện nay vẫn chưa có nhà sử học nào có thể minh chứng được bài thơ này của Lý Thường Kiệt như nhiều người ngộ nhận

Nguyên bản

南國山河

南 國 山 河 南 帝 居

截 然 分 定 在 天 書

如 何 逆 虜 來 侵 犯

汝 等 行 看 取 敗 虛

Nam quốc sơn hà

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên phân định tại Thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Bản dịch thơ

Sông núi nước Nam

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,

Rành rành phân định tại sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Nội dung phiên bản này phù hợp với bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ngoài ra, cũng còn dị bản khác. Tóm lại, Văn học thời Tiền Lê đã đóng góp quan trọng trong việc khai mở nền văn học Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *